Nếu dành thời gian để tìm hiểu, bạn sẽ thấy Ba Lan là một đất nước có bề dày lịch sử văn hóa đa dạng, đi cùng với đó là mức sống phải chăng và chế độ chính trị, xã hội ổn định. Thế nhưng, với những ưu điểm này, liệu việc lựa chọn Ba Lan làm điểm đến du học có thật sự sáng suốt? Du học Ba Lan có tốt và rẻ hơn so với du học Anh hay Mỹ?
Bài viết bên dưới, ILA Du học sẽ chia sẻ với bạn các thông tin về du học Ba Lan để bạn tự có lời giải đáp cho bản thân nhé!
Du học Ba Lan: Liệu có phải là lựa chọn sáng suốt?
Quyết định có nên chọn Ba Lan làm điểm đến du học hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
1. Chất lượng giáo dục
Ba Lan là đất nước có nền giáo dục tiên tiến, không kém cạnh nhiều quốc gia du học “đình đám” như du học Anh, Mỹ hay Canada. Ba Lan cũng là quốc gia có nhiều trường đại học nằm trong top 500 hoặc 1000 trên thế giới. Một số trường đại học nổi tiếng ở Ba Lan là:
• Đại học Warsaw: Trường đại học top 1 tại Ba Lan, thường xuyên nằm trong top 300 – 400 các trường đại học hàng đầu trên thế giới.
• Đại học Jagiellonian: Một trong những ngôi trường cổ nhất tại châu Âu với thế mạnh về y học, khoa học, nhân văn, luật…
• Đại học Bách khoa Warsaw: Ngôi trường đào tạo kỹ thuật hàng đầu tại Ba Lan, có liên kết với nhiều doanh nghiệp công nghệ.
• Đại học Kozminski: Ngôi trường đứng top 1 về đào tạo kinh doanh – quản trị, trong đó thế mạnh là kinh doanh quốc tế, tài chính, quản trị…
Bằng cấp của các trường tại Ba Lan được công nhận trên toàn châu Âu và nhiều quốc gia khác. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể ở lại Ba Lan hoặc các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu để làm việc theo quy định. Ngoài ra, nếu có ý định học lên cao hoặc xin việc tại các quốc gia khác như Anh, Mỹ… thì cũng rất dễ được chấp thuận.
2. Học phí và chi phí sinh hoạt
Mức học phí của các trường tại Ba Lan tương đối thấp, chỉ “nhỉnh” hơn một chút so với các trường đại học tư ở Việt Nam. Về sinh hoạt phí, nhìn chung, mức sống tại Ba Lan cũng không chênh lệch quá nhiều so với Việt Nam. Nếu bạn chọn sống ở những thành phố nhỏ, mức chi tiêu sẽ thấp hơn nhiều so với các thành phố lớn.
3. Ngôn ngữ
Hầu hết các trường tại Ba Lan đều có các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Điều này tạo ra lợi thế rất lớn đối với du học sinh quốc tế, đặc biệt là Việt Nam. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày với người bản địa thì tiếng Ba Lan vẫn là ngôn ngữ chính. Do đó, để tránh gặp trở ngại trong giao tiếp thì bạn vẫn nên dành thời gian học thêm tiếng Ba Lan nếu có ý định du học ở đất nước này.
4. Cơ hội việc làm khi du học Ba Lan
Quy định về việc làm thêm dành cho sinh viên quốc tế khi du học Ba Lan cũng không quá nghiêm ngặt. Bạn có thể làm thêm tối đa 20 giờ/tuần trong thời gian học để có thêm thu nhập trang trải. Bên cạnh đó, Ba Lan cũng là đất nước có cộng đồng người Việt đông đảo nên bạn cũng có thể dễ kiếm được việc làm thêm trong môi trường người Việt.
Ba Lan cũng có nhiều văn phòng của các tập đoàn lớn, đặc biệt ở các thành phố như Warsaw, Kraków, Wrocław, Gdańsk… Các công ty này thường tìm kiếm sinh viên biết tiếng Anh, kỹ năng chuyên môn và đôi khi không yêu cầu tiếng Ba Lan. Do đó, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp khá rộng mở, đặc biệt nếu bạn học các ngành có nhu cầu cao như công nghệ thông tin, kỹ thuật, kinh doanh…
5. Thời tiết
Thời tiết tại Ba Lan tương đối khắc nghiệt. Vào mùa đông, nhiệt độ có thể giảm dưới -10°C, tuyết rơi dày và thời gian ban ngày ngắn, đôi khi chỉ kéo dài 6–8 tiếng, dễ ảnh hưởng đến tâm lý nếu không quen với điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, mùa xuân và mùa thu có thời tiết dễ chịu, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, rất thích hợp cho việc học tập, thư giãn và khám phá văn hóa địa phương.
Du học Ba Lan nên học ngành gì?
Dưới đây là những ngành học đáng cân nhắc nhất khi du học tại Ba Lan, xét về nhu cầu tuyển dụng, chất lượng đào tạo và khả năng phát triển lâu dài:
• Công nghệ thông tin: Ngành học có cơ hội việc làm rất cao, thu nhập hấp dẫn và phù hợp với sinh viên quốc tế không biết tiếng Ba Lan. Các chuyên ngành nổi bật là trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng, khoa học dữ liệu…
• Kinh tế – Tài chính: Chương trình học đa dạng với mạng lưới thực tập rộng rãi cùng cơ hội việc làm rộng mở. Các chuyên ngành chính là quản trị doanh nghiệp, marketing, tài chính – ngân hàng…
• Kỹ thuật – Công nghệ: Ba Lan có thế mạnh đào tạo về cơ khí, điện – điện tử, kỹ thuật ô tô, tự động hóa và kỹ thuật môi trường. Sinh viên tốt nghiệp kỹ thuật tại Ba Lan được đánh giá cao nhờ kiến thức chuyên môn vững và có thể làm việc tại nhiều quốc gia trong khối Liên minh châu Âu.
• Y khoa – Dược – Điều dưỡng: Đây là ngành học yêu cầu cao nhưng đầy triển vọng. Khi lựa chọn ngành này, bạn sẽ được tiếp cận với nền y học hiện đại, chương trình học chuyên sâu. Tuy nhiên, để tham gia thực tập lâm sàng và làm việc sau tốt nghiệp, bạn sẽ cần trang bị thêm tiếng Ba Lan.
>>> Xem thêm: GPA là gì? Cách tính GPA và ý nghĩa trong hồ sơ du học
Các chương trình du học Ba Lan
Các chương trình đào tạo tại Ba Lan rất đa dạng, phù hợp với nhiều cấp độ. Bạn có thể lựa chọn các bậc học như:
• Chương trình dự bị tiếng: Phù hợp với những ai chưa có đủ trình độ tiếng Anh hoặc tiếng Ba Lan. Thời gian học thường từ 6 tháng đến 1 năm, nội dung học chủ yếu là tiếng Anh (hoặc tiếng Ba Lan) và kiến thức nền tảng theo ngành.
• Chương trình đào tạo nghề: Du học nghề Ba Lan có thời gian đào tạo từ 1,5 đến 2 năm. Chương trình học tập trung vào thực hành với bằng cấp được công nhận ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, đa phần các chương trình nghề sẽ được giảng dạy bằng tiếng Ba Lan nên bạn có thể sẽ cần tham gia các chương trình dự bị tiếng.
• Chương trình đại học: Thời gian học từ 3 – 4 năm tùy thuộc vào ngành học. Để tham gia bậc học này, bạn sẽ cần tốt nghiệp THPT và đáp ứng các yêu cầu về ngoại ngữ, học vấn tùy theo tiêu chí tuyển sinh của từng trường.
• Chương trình sau đại học: Du học thạc sĩ Ba Lan hoặc tiến sĩ Ba Lan cũng là lựa chọn được nhiều người quan tâm. Thời gian đào tạo của bậc học này kéo dài khoảng 1,5 đến 2 năm. Để theo học, bạn sẽ cần có bằng cử nhân và đáp ứng các điều kiện về ngoại ngữ, học vấn theo yêu cầu của từng trường.
Điều kiện du học Ba Lan
Để du học Ba Lan, bạn sẽ cần đáp ứng các điều kiện về học vấn và ngoại ngữ. Cụ thể, về học vấn, bạn sẽ cần tốt nghiệp bậc học tương đương với bậc học bạn muốn theo đuổi. Chẳng hạn, nếu du học nghề, chương trình đào tạo tiếng hoặc du học bậc đại học, bạn cần tốt nghiệp THPT. Đối với chương trình đào tạo sau đại học, bạn cần bằng cử nhân hoặc bằng thạc sĩ đúng hoặc gần ngành bạn muốn học tại Ba Lan kèm bảng điểm.
Về điều kiện ngoại ngữ, nếu du học Ba Lan bằng tiếng Anh, bạn sẽ cần có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Cụ thể, bạn sẽ cần IELTS tối thiểu 5.5 – 6.5 tùy ngành và tùy trường. Nếu học bằng tiếng Ba Lan, bạn sẽ cần chứng chỉ tiếng Ba Lan. Nếu không đáp ứng đủ yêu cầu về ngoại ngữ, bạn có thể tham gia các chương trình dự bị tiếng.
Khi nộp hồ sơ, tùy từng trường, từng ngành mà yêu cầu cũng sẽ khác nhau. Hồ sơ gồm bằng tốt nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ, bảng điểm, bài luận cá nhân, thư giới thiệu, hộ chiếu…
Du học Ba Lan hết bao nhiêu tiền?
Du học Ba Lan hết bao nhiêu tiền? Chi phí du học Ba Lan hết bao nhiêu? Đây là những thắc mắc rất thường gặp. Như đã đề cập, học phí và mức phí sinh hoạt tại Ba Lan không chênh lệch quá nhiều so với Việt Nam nên gánh nặng tài chính khi du học sẽ không cao như du học Anh, du học Mỹ. Cụ thể:
• Học phí: Nếu du học bậc cử nhân hoặc du học thạc sĩ Ba Lan, mức học phí sẽ khoảng 2.000 – 5.000 euro mỗi năm (57.600.000 – 144.100.000 đồng). Nếu du học nghề Ba Lan thì học phí sẽ thấp hơn, khoảng 1.500 – 3.000 euro mỗi năm (43.200.000 – 86.500.000 đồng).
• Chi phí sinh hoạt: Mỗi tháng, bạn sẽ mất khoảng 150 – 400 euro (khoảng 4.300.000 – 11.500.000 đồng) cho tiền thuê nhà, khoảng 100 – 200 euro mỗi tháng (khoảng 2.800.000 – 5.700.000 đồng) cho ăn uống, khoảng 20 – 45 euro mỗi tháng (576.000 – 1.297.000 đồng) cho đi lại, điện thoại, Internet, khoảng 100 – 200 euro cho giải trí, chi tiêu cá nhân (khoảng 2.883.000 – 5.767.000 đồng).
• Các chi phí ban đầu: Ngoài các chi phí cố định kể trên, trước khi nhập học, bạn sẽ cần tốn khoảng 60 euro (1.730.000 đồng) cho visa du học, vé máy bay 1 chiều Việt Nam – Ba Lan khoảng 500 – 800 euro (14.400.000 – 23.000.000 đồng), bảo hiểm y tế khoảng 200 – 300 euro mỗi năm (5.767.000 – 8.651.000 đồng), dịch thuật, công chứng hồ sơ khoảng 100 – 200 euro (khoảng 2.883.000 – 5.767.000 đồng).
>>> Xem thêm: Nên đi du học nước nào? Hướng dẫn chọn điểm du học lý tưởng
Học bổng du học Ba Lan
Ba Lan cung cấp khá nhiều học bổng du học cho sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Việt Nam, nhằm hỗ trợ chi phí học tập và khuyến khích sinh viên tài năng
• Học bổng Chính phủ Ba Lan (NAWA): Học bổng toàn phần dành cho sinh viên quốc tế các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu, bao gồm Việt Nam theo học bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Thời gian học bổng là 1 năm và có thể gia hạn tùy theo kết quả học tập. Để săn học bổng này, bạn có thể theo dõi và đăng ký trực tuyến qua cổng thông tin của NAWA, thường mở vào mùa thu mỗi năm.
• Học bổng Erasmus+: Học bổng toàn phần hoặc bán phần của Liên minh châu Âu (EU) thông qua chương trình Erasmus+ dành cho sinh viên quốc tế. Chương trình học bổng này chủ yếu dành cho học kỳ trao đổi (từ 3 đến 12 tháng) tại một trường đại học của Ba Lan. Sinh viên cần nộp hồ sơ qua trường đại học đang theo học vì chương trình Erasmus+ thường được điều phối qua các trường đối tác.
• Học bổng từ các trường đại học tại Ba Lan: Nhiều trường đại học tại Ba Lan cung cấp học bổng riêng cho sinh viên quốc tế như Đại học Warsaw cung cấp học bổng toàn phần cho sinh viên xuất sắc, Đại học Bách Khoa cung cấp học bổng cho sinh viên tham gia các nghiên cứu khoa học…
• Học bổng Visegrad: Học bổng toàn phần hoặc bán phần gồm học phí và chi phí sinh hoạt dành cho sinh viên là công dân của các quốc gia thuộc Visegrad Group (bao gồm Ba Lan, Czech, Slovakia, Hungary) và từ các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu.
• Học bổng từ Quỹ Hợp tác Ba Lan – Việt Nam: Một số chương trình học bổng được tài trợ bởi chính phủ Ba Lan hoặc các tổ chức, quỹ hợp tác giữa Ba Lan và Việt Nam. Các học bổng này thường sẽ có thời gian ngắn hạn (1–2 năm) và yêu cầu sinh viên thực hiện các dự án nghiên cứu hoặc hợp tác giữa hai quốc gia.
Mỗi học bổng có thời gian đăng ký khác nhau, thường rơi vào mùa thu hoặc mùa đông (từ tháng 9 đến tháng 12). Nhìn chung, các học bổng đều có số lượng hạn chế, do đó, hồ sơ của bạn cần được chuẩn bị kỹ lưỡng và có sự nổi bật (thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu…).
Visa du học Ba Lan
Ngoài các vấn đề về chọn trường, chọn ngành, chi phí học tập thì nhiều bạn cũng khá băn khoăn về việc xin visa du học Ba Lan có khó không và du học Ba Lan có cần chứng minh tài chính. Để xin visa du học, bạn cần có thư mời nhập học tại một trường tại Ba Lan.
Khi xin visa du học, bạn cũng sẽ cần chứng minh có đủ tài chính để trang trải học phí và sinh hoạt phí tại Ba Lan trong suốt thời gian học. Mức tài chính thường yêu cầu là 7000 – 10.000 euro (khoảng 201.800.000 – 288.300.000 đồng).
Như vậy, để xin visa du học Ba Lan, bạn sẽ cần chuẩn bị hồ sơ gồm thư mời nhập học, đơn xin visa, hộ chiếu còn hạn ít nhất 15 tháng, ảnh thẻ, bằng cấp và bảng điểm, chứng chỉ ngoại ngữ, hồ sơ chứng minh tài chính, bảo hiểm y tế Ba Lan bắt buộc, giấy khám sức khỏe.
Kết luận
Với những chia sẻ trên, hy vọng đã giúp bạn tự có câu trả lời cho câu hỏi du học Ba Lan liệu có phải lựa chọn sáng suốt. Thực tế, du học Ba Lan rất có tiềm năng với chất lượng giáo dục tốt, chi phí thấp. Tuy nhiên, nếu có ý định lựa chọn thì hãy chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để đối mặt với sự khác biệt về thời tiết, văn hóa cũng như dành thời gian trang bị thêm một ít tiếng Ba Lan để việc học tập và sinh sống tại đất nước này trở nên thuận lợi hơn nhé!