Business Analyst (BA) là nghề nghiệp đang rất được quan tâm và tạo được sức hút rất lớn trong giới trẻ, bởi mức lương hấp dẫn cũng như tiềm năng phát triển cao. Vậy Business Analyst là gì? Muốn trở thành một Business Analyst, phải chọn trường và ngành như thế nào?
Bài viết bên dưới ILA Du học sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc kể trên. Đồng thời, chia sẻ thêm thêm thông tin để bạn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bắt đầu hành trình trở thành một Business Analyst thực thụ.
Business Analyst là gì? Vai trò của Business Analyst trong doanh nghiệp
Business Analyst (BA) là chuyên viên phân tích kinh doanh hay chuyên viên phân tích nghiệp vụ. Đây là vị trí quan trọng trong doanh nghiệp có trách nhiệm chính là phân tích và đánh giá toàn bộ quy trình kinh doanh của công ty để xác định vấn đề cần cải thiện và từ đó đề xuất giải pháp phù hợp. Trong doanh nghiệp, Business Analyst sẽ có các vai trò như:
• Phân tích và xác định vấn đề đang gặp phải: Business Analyst sẽ làm việc chặt chẽ với các bên liên quan (stakeholders) để hiểu rõ mục tiêu kinh doanh, quy trình hiện tại và các vấn đề đang gặp phải. Ví dụ, trong vai trò của một Business Analyst, bạn có thể làm việc với bộ phận bán hàng để tìm hiểu vì sao số lượng khách hàng ngày một giảm và từ đó đưa ra giải pháp cải thiện trải nghiệm người dùng trên nền tảng mua sắm.
• Cầu nối giữa kinh doanh và công nghệ: Khi đảm nhận vị trí Business Analyst, bạn sẽ phải “dịch” ngôn ngữ kinh doanh thành yêu cầu kỹ thuật và ngược lại. Điều này đảm bảo các nhóm kỹ thuật hiểu đúng vấn đề cần cải thiện còn bộ phận kinh doanh thì nắm được tình trạng kỹ thuật hiện tại.
• Thiết kế giải pháp và hỗ trợ triển khai: Sau khi phân tích vấn đề, yêu cầu, Business Analyst sẽ làm việc với các nhóm phát triển để thiết kế giải pháp phù hợp. Ngoài ra, trong vai trò của một Business Analyst, bạn cũng tham gia trải nghiệm thử (testing), đánh giá hệ thống và đảm bảo giải pháp triển khai đúng mong đợi.
• Đảm bảo giá trị cho doanh nghiệp: Vai trò cốt lõi của Business Analyst là đảm bảo mọi dự án, thay đổi hoặc sáng kiến đều mang lại giá trị thực tiễn cho doanh nghiệp – có thể là tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí hoặc cải thiện trải nghiệm người dùng.
>>> Xem thêm: Du học hè Canada: Bước đầu tư thông minh cho tương lai
Business Analyst làm gì và cần học gì?
Với những vai trò kể trên, Business Analyst có thể được hiểu là người phân tích và đề xuất giải pháp để giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Cụ thể, một Business Analyst sẽ làm những việc như:
• Thu thập và phân tích: Làm việc với các phòng ban (sales, marketing, vận hành…) để hiểu họ cần gì, gặp vấn đề gì.
• Viết tài liệu yêu cầu: Ghi lại yêu cầu một cách rõ ràng, dễ hiểu cho cả người kinh doanh và đội ngũ kỹ thuật.
• Làm việc với bộ phận kỹ thuật: Giải thích yêu cầu cho lập trình viên, kỹ sư phần mềm, người giám sát kỹ thuật, kiểm thử viên (tester). Đồng thời hỗ trợ các bộ phận này trong quá trình phát triển sản phẩm.
• Kiểm tra chất lượng và nghiệm thu giải pháp: Tham gia các hoạt động kiểm tra chất lượng, đánh giá xem giải pháp có đúng như kỳ vọng không.
Vậy Business Analyst cần học gì để làm được những công việc kể trên? Câu trả lời là bạn sẽ cần có kiến thức về kinh doanh và quy trình nghiệp vụ để hiểu cách doanh nghiệp hoạt động, các bộ phận phối hợp ra sao. Bên cạnh đó, dù không cần biết lập trình nhưng khi đảm nhận vị trí Business Analyst, bạn sẽ cần hiểu về hệ thống, cơ sở dữ liệu và quy trình phát triển phần mềm (SDLC, Agile…). Ngoài ra, bạn cũng cần biết cách phân tích dữ liệu, biết cách dùng excel, SQL hoặc các công cụ BI – công cụ phân tích dữ liệu và biến dữ liệu thành thông tin có ý nghĩa – như Power BI, Tableau.
Kỹ năng cần có
Nếu muốn theo đuổi và trở thành Business Analyst, ngoài kiến thức, bạn sẽ cần trang bị thêm cho mình một số kỹ năng như:
• Giao tiếp và xây dựng mối quan hệ: Business Analyst phải làm việc với nhiều bên như khách hàng, quản lý, kỹ thuật… nên việc phải nói sao cho người kỹ thuật hiểu, người kinh doanh thấy hợp lý là rất quan trọng. Do đó, nếu có ý định theo đuổi công việc này, bạn hãy cố gắng trau dồi khả năng trình bày và diễn đạt. Ngoài ra, bạn cũng cần cố gắng học cách xây dựng mối quan hệ, mở rộng “networking” để có thể thuận lợi làm việc giữa các bên liên quan.
• Nhạy bén trong kinh doanh: Để trở thành một Business Analyst giỏi, bạn cần có kiến thức kinh doanh và sự hiểu biết chiến thuật của doanh nghiệp để triển khai chiến lược cần thiết.
• Tư duy phân tích dữ liệu: Một chuyên viên phân tích nghiệp vụ cần có khả năng hiểu dữ liệu, từ đó chắt lọc những thông tin có giá trị cho doanh nghiệp trong việc hỗ trợ thực hiện chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phân tích và xây dựng mô hình dữ liệu để các nhà quản lý đưa ra quyết định.
• Kỹ năng giải quyết vấn đề: Một Business Analyst giỏi không chỉ “ghi lại yêu cầu” mà còn phải hiểu rõ vấn đề để đưa ra giải pháp khả thi, phù hợp với ngân sách và tiến độ.
• Tư duy phản biện: Business Analyst có trách nhiệm đánh giá, phân tích và lựa chọn giải pháp trước khi làm việc với các thành viên trong nhóm. Trong quá trình xác định vấn đề, ngoài việc thu thập yêu cầu, ý kiến, thông tin, bạn còn phải phân tích những yêu cầu này cẩn thận, chi tiết cho đến khi xác định được chính xác vấn đề đang gặp phải.
Nên học Business Analyst ở đâu?
Tại Việt Nam, hiện chưa có ngành Business Analyst riêng biệt nhưng bạn có thể học các ngành gần như:
• Hệ thống thông tin quản lý (MIS – Management Information Systems)
• Khoa học dữ liệu/ Phân tích dữ liệu
• Kinh doanh số /Kinh tế – quản lý
Các trường đại học có đào tạo những ngành này là Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Đại học Bách Khoa Hà Nội/ TP. HCM, Đại học Ngoại thương (FTU), Đại học RMIT Việt Nam, Đại học FPT, Đại học Kinh tế, Đại học HUTECH…
Nếu bạn có ý định du học ngành Business Analyst, bạn có thể chọn các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như:
• Du học Canada: Các chương trình đào tạo Business Analyst ở Canada khá đa dạng. Trong quá trình học, bạn còn cơ hội được thực tập có lương. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, cơ hội nghề nghiệp và định cư tại Canada cũng khá rộng mở. Một số trường bạn có thể tham khảo khi du học Canada là Đại học Toronto, Đại học York…
• Du học Úc: Ở Úc có chương trình đào tạo Business Analyst bậc đại học và sau đại học. Bạn có thể tham khảo một số trường nổi tiếng nếu có ý định du học Úc như Đại học Melbourne, Đại học Monash…
• Du học Singapore: Nếu bạn muốn học gần Việt Nam, Singapore là điểm đến lý tưởng nhờ môi trường học quốc tế và chi phí thấp hơn du học Anh hay du học Mỹ. Những trường đại học chất lượng bạn có thể tham khảo khi tìm hiểu về du học Singapore là Đại học Quốc gia Singapore (NUS) , Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Đại học Quản lý Singapore (SMU)…
• Du học Mỹ: Nếu bạn hướng đến hệ thống giáo dục hàng đầu và cơ hội nghề nghiệp rộng mở, Mỹ là lựa chọn số 1 với các trường danh tiếng như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Stanford, Đại học Texas…
>>> Xem thêm: Du học Canada: Vì sao nên chọn Đại học Toronto?
Tiềm năng phát triển
Trong thời đại chuyển đổi số, Business analyst đang trở thành một trong những ngành có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhất, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu:
• Nhu cầu tuyển dụng tăng cao: Theo dự đoán từ các chuyên gia, Business Analyst là một trong những nghề nghiệp phát triển nhanh nhất trong 5–10 năm tới. Doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực – từ ngân hàng, bảo hiểm, y tế, thương mại điện tử cho đến công nghệ – đều cần người phân tích dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động và đề xuất giải pháp cải tiến.
• Nhân sự chiến lược: Khi dữ liệu trở thành “tài nguyên quý”, vai trò của vị trí Business Analyst càng quan trọng. Vị trí này sẽ là người kết nối giữa dữ liệu và quyết định kinh doanh, không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu chuyện gì đang xảy ra mà còn hiểu lý do cũng như có hướng giải quyết.
• Mức lương hấp dẫn: Mức thu nhập của vị trí Business Analyst cũng thuộc hàng khá so với mặt bằng chung. Tại Việt Nam, mức lương khởi điểm là từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng/tháng. Với 3 – 5 năm kinh nghiệm, con số này có thể lên đến 30.000.000 – 50.000.000 đồng/tháng đặc biệt nếu bạn làm trong các công ty công nghệ hoặc đa quốc gia.
Kết luận
Trên đây là một số thông tin về Business Analyst mà ILA Du học muốn chia sẻ cùng bạn. Business Analyst đang là ngành nghề đang rất được yêu thích với tiềm năng phát triển cao. Nếu bạn có đam mê và cảm thấy phù hợp, hãy cố gắng học tập, trang bị kiến thức và kỹ năng ngay từ hôm nay để trở thành một Business Analyst thực thụ nhé!